Bảo hiểm Bảo Việt và VCCI tại Cần Thơ tổ chức hội thảo Giải pháp cho các rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trước rủi ro về thanh toán, công nợ.
Sự chung tay của Bảo hiểm Bảo Việt
Trong khuôn khổ hội nghị, Bảo hiểm Bảo Việt phối hợp cùng VCCI tại Cần Thơ triển khai các nội dung đánh giá tình hình rủi ro xuất nhập khẩu, rủi ro thanh toán phát sinh trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19; đồng thời giới thiệu các giải pháp bảo hiểm tín dụng thương mại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, nâng cao bảo vệ cho các doanh nghiệp. Đây cũng là hoạt động nằm trong định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, đặt lợi ích và mong muốn của khách hàng lên hàng đầu để mang lại sự đảm bảo cao nhất cho khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt.
Là đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu thị trường với hơn 55 năm phát triển, Bảo hiểm Bảo Việt luôn đề ra các mục tiêu song hành và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình thúc đẩy kinh tế của Chính phủ, bộ ngành.
Trước đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã tham gia chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” trong giai đoạn 2018-2020 với một số hoạt động chính như tham gia xây dựng, duy trì Cổng thông tin hỗ trợ xuất nhập khẩu trực tuyến. Công ty cung cấp thông tin tư vấn, bài viết liên quan tới các hoạt động bảo hiểm cho doanh nghiệp liên quan; xuất bản các nội dung quảng cáo, bài viết về lĩnh vực bảo hiểm cho doanh nghiệp xuất khẩu trong Cẩm nang xuất khẩu Việt Nam (Vietnam export handbook); tham gia các hội thảo hỗ trợ xuất khẩu, các diễn đàn xuất khẩu Việt Nam thường niên.
Hiện nay, Bảo hiểm Bảo Việt cũng là thành viên sáng lập của Hiệp hội Bảo hiểm Bảo lãnh và Tín dụng Châu Á – hỗ trợ và thúc đẩy áp dụng các cơ chế bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng, cũng như đào tạo, huấn luyện và đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các công ty bảo hiểm là thành viên của hiệp hội. Bảo hiểm Bảo Việt cũng kỳ vọng thông qua các hoạt động này để đến gần hơn nữa với nhu cầu thiết thực của khách hàng, nâng cao vai trò của bảo hiểm là góp phần ổn định tài chính cho các tổ chức, cá nhân; khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp; góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro
Nền kinh tế Việt Nam đang được dần phục hồi sau đại dịch với số lượng doanh nghiệp mới ra đời gia tăng tích cực. Nhưng 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy vùng kinh tế Đồng bằng Sông cửu Long (ĐBSCL), Đồng bằng Sông Hồng cũng như Đông Nam Bộ, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn gia tăng xấp xỉ 1,5 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu ĐBSCL được xem là lợi thế trong năm 2021 vừa qua dù đại dịch.
Doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang giải quyết những vấn đề rất lớn phát sinh trong hoạt động kinh doanh chưa có tiền lệ để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Cụm từ “đứt gãy chuỗi cung ứng” trong nước và quốc tế, “thay đổi quy định kiểm hàng”, “thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa”, “rủi ro chính sách”… của các thị trường lớn của ĐBSCL đã được các kênh truyền thông chính thức Việt Nam đề cập. Tuy nhiên, các giải pháp hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có, nhiều đơn vị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Doanh nghiệp xuất khẩu ĐBSCL giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động đến từ nông thôn, doanh nghiệp đứng trước vấn đề xã hội phát sinh phải gánh bên cạnh rủi ro tài chính.
Các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên cơ sở cho trả chậm thường phải chịu rủi ro cao về việc không thu hồi được khoản nợ do khách hàng bị mất khả năng thanh toán, thanh toán chậm trễ hoặc do rủi ro không cho phép khách hàng thực hiện việc thanh toán. Việc này không chỉ mang lại những rủi ro tiềm tàng cho nguồn tiền từ những khoản nợ khó đòi mà còn khiến cho doanh nghiệp thận trọng hơn trong kinh doanh, mất đi những cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.