Phần 1: Bảo hiểm y tế
Câu 1
Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí vận chuyển khi quân nhân đi khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thì quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí vận chuyển khi quân nhân khám chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong trường hợp sau:
1. Chuyển từ tuyến huyện và tương đương trở lên, lên tuyến trên.
2. Chuyển ngang tuyến chuyên môn.
3. Chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới đến tuyến huyện và tương đương theo chỉ định chuyên môn hoặc yêu cầu nhiệm vụ.
Câu 2
Ngân sách nhà nước chi trả chi phí vận chuyển quân nhân đi khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào?
Trả lời:
Theo Điều 9 Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 20/6/2016 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế đối với quân nhân và người làm công tác cơ yếu thì ngân sách nhà nước chi trả chi phí vận chuyển trong các trường hợp:
1. Chi phí vận chuyển từ nơi công tác, làm việc, học tập hoặc cư trú tới nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
2. Từ nơi khám chữa bệnh cuối cùng về nơi công tác, làm việc, học tập hoặc cư trú.
3. Chi phí dành cho nười hộ tống người bệnh.
4. Phần chi phí vượt trên mức hưởng do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.
Câu 3
Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của quân nhân được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 14 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu quy định, chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của quân nhân như sau:
1. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn thì cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế có trách nhiệm chuyển kịp thời đến cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
2. Trường hợp cần chuyển tuyến theo yêu cầu nhiệm vụ thì cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân có văn bản yêu cầu và phải đảm bảo nơi chuyển đến có khả năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu điều trị của quân nhân.
3. Chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của quân nhân thực hiện giữa các cơ sở khám chữa bệnh dân y, quân y và ngược lại.
4. Chuyển vượt tuyến chuyên môn trong hệ thống quân y khi đơn vị có đăng ký tuyến với cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.
Câu 4
Quân nhân có phải đóng Bảo hiểm y tế không? Mức đóng Bảo hiểm y tế được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 4 và 5 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định:
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ phần kinh phí đóng Bảo hiểm y tế cho quân nhân.
2. Mức đóng Bảo hiểm y tế hằng tháng (kể từ ngày 01/01/2016) như sau:
– Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp: Bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
– Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ: Bằng 4,5% mức lương cơ sở.
3. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ trưởng cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm y tế phù hợp.
Câu 5
Quân nhân được cử đi học tập hoặc công tác ở nước ngoài có phải đóng Bảo hiểm y tế không?
Trả lời:
Khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định, quân nhân được cử đi học tập hoặc công tác ở nước ngoài thì không phải đóng Bảo hiểm y tế; thời gian đó được tính là thời gian tham gia Bảo hiểm y tế cho đến ngày có quyết định trở lại của cơ quan, tổ chức cử đi.
Phần 2: Bảo hiểm xã hội
Câu 1
Mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với quân nhân có toàn bộ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định?
Trả lời:
Điều 11 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân quy định:
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối;
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối;
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối;
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối;
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối;
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
– Bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2025 trở đi, tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Câu 2
Người đang hưởng lương hưu hàng tháng, nếu đủ điều kiện ra nước ngoài định cư; có được hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng Bảo hiểm xã hội, trong đó mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
Câu 3
Quy định về đóng tiếp Bảo hiểm xã hội một lần để hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu?
Trả lời:
Khoản 6 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đóng tiếp Bảo hiểm xã hội một lần để hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu như sau:
Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.